Trong thời gian qua, song song với xu hướng sử dụng xe điện ngày một hiện hữu và phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới việc phát triển các trạm sạc xe điện tại các nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ và các công trình công cộng như trạm xăng, trạm dừng nghỉ, trung tâm thương mại. Điều này đã đặt ra những yêu cầu mới về việc bảo đảm an toàn PCCC các công trình khi có lắp đặt, bố trí trạm sạc xe điện.
Trạm sạc xe điện được sử dụng để sạc xe điện và chức năng của nó giống như máy tiếp nhiên liệu trong trạm xăng để tiếp nhiên liệu cho xe. Do kích thước nhỏ, dễ thi công, tiện lợi và tin cậy nên có thể dễ dàng lắp đặt ở các cửa hàng dịch vụ nhỏ, bãi đỗ xe, đường phố, khu dân cư, v.v. Khi người dùng đỗ xe điện trong thời gian dài có thể sử dụng bộ sạc trên xe để sạc. Mặc dù trạm sạc xe điện tiện lợi, nhanh chóng và giải quyết hiệu quả vấn đề sạc của các phương tiện sử dụng năng lượng mới nhưng trạm sạc ngoài trời hay trong nhà đều tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn điện.
Trạm sạc xe điện bố trí tại gara trong nhà
Các vụ cháy trạm sạc xe điện ngày càng thường xuyên hơn, chủ yếu là do chập điện và quá tải. Về bản chất, “cháy” của trạm sạc là một quá trình giải phóng năng lượng không kiểm soát: nhiệt độ cao do trạm sạc tạo ra sẽ khiến các phụ kiện khác nóng lên làm cho toàn bộ trạm sạc xe điện quá tải và gia tăng nhiệt mất kiểm soát, cuối cùng năng lượng hóa học tích trữ trong vật liệu dễ cháy chuyển thành nhiệt năng (cháy). Hiện tại, về cơ bản chưa có thiết bị báo cháy, chữa cháy tự động nào được lắp đặt trong tủ sạc xe điện; do đó các hệ thống cảnh báo và chữa cháy đối với trạm sạc sẽ sử dụng chung với hệ thống của công trình trong trường hợp trạm sạc lắp đặt trong nhà.
Hình ảnh cháy trạm sạc xe điện
Về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cho trạm sạc xe điện, Bộ Khoa học và Công nghệ đến nay đã công bố 08 TCVN về Hệ thống sạc xe điện, trong đó quy dịnh về yêu cầu chung, tương thích điện từ, truyền thông giữa trạm sạc và xe điện, yêu cầu an toàn đối với hệ thống lắp trạm sạc, cụm đóng cát và điều khiển hạ áp khu vực sạc xe điện. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn cũng chưa đề cập đến giải pháp cảnh báo và chữa cháy cho các trạm sạc. Về các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế công trình, hiện nay, hiện nay QCVN 13:2018/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gara ô tô” chưa có quy định riêng về yêu cầu thiết kế khi bố trí trạm sạc xe điện trong gara.
Để bảo đảm yêu cầu PCCC cho các trạm sạc trên cơ sở các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, cần nghiên cứu, tham khảo một số giải pháp sau:
1. Về giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan
- Vị trí trạm sạc và xe điện cần bố trí thành khu vực riêng, độc lập với các khu vực để xe khác, được ngăn cách bằng các tường ngăn cháy hoặc tạo khoảng cách an toàn không nhỏ hơn 10 m đối với khu vực xung quanh trạm sạc
- Tủ điện, thiết bị điều khiển và cấp nguồn cho trạm sạc phải được ngăn cháy với khu vực gara và bảo đảm theo quy định tại Điều 2.3.4 của QCVN 13:2018/BXD. Các thiết bị phải bảo đảm theo các yêu cầu của QCVN 12:2014/BXD và các tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị điện liên quan.
- Đối với trạm sạc tại cửa hàng xăng dầu: vị trí bố trí phải phù hợp với cấp vùng nguy hiểm trong cửa hàng quy định tại Điều 7 QCVN 01:2020/BCT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu”, thiết bị điện phải bảo đảm theo quy định tại Điều 11 QCVN 01:2020/BCT.
2. Về giải pháp chống tụ khói
- Khu vực gara bố trí trạm sạc phải thiết kế giải pháp hút khói theo quy định tại Điều 2.3.3 QCVN 13:2018/BXD và Phụ lục D QCVN 06:2021;
- Quạt hút khói phải bảo đảm giới hạn chịu lửa tối đa theo quy định tại D.9 QCVN 06:2021/BXD và phù hợp với nhiệt độ thực tế đám cháy xe điện, trạm sạc xe điện.
3. Về Trang bị hệ thống PCCC
Khu vực trạm sạc phải trang bị phương tiện, thiết bị PCCC phù hợp với yêu cầu trang bị của nhà và công trình tại TCVN 3890:2009 “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng”.
- Đối với khu vực trang bị hệ thống chữa cháy tự động Spinkler, cần bảo đảm yêu cầu ngắt điện trước khi chữa cháy theo quy định tại Điều 5.1.6 TCVN 7336:2021 (bố trí thành 01 cụm chữa cháy riêng được điều khiển bởi 01 van tràn van tràn chỉ được kích hoạt khi có tín hiệu của hệ thống báo cháy và tín hiệu xác nhận đã ngắt nguồn điện của trạm sạc)
- Việc ngắt nguồn trạm sạc phải được thực hiện bằng tay và tự động từ tín hiệu báo cháy. Công tắc ngắt khẩn cấp nguồn điện của trạm sạc phải bố trí trong phạm vi không quá 15 m từ trạm sạc và phải có dán nhãn, chỉ dẫn về cách vận hành, ngắt nguồn điện.
- Bố trí các bình chữa cháy xách tay, bình chữa cháy xe đẩy bố trí tại khu vực trạm sạc để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra”
Phòng 4/C07